Mỹ phẩm bền vững kết hợp nhận thức cao đối với những vấn đề về môi trường làm thay đổi ngành công nghiệp làm đẹp, mở ra và lan tỏa xu hướng làm đẹp mới.
Theo Báo Tin tức – TTXVN, mỹ phẩm bền vững được đánh giá sẽ tạo nên một diện mạo mới, làm thay đổi một phần ngành công nghiệp làm đẹp và làm thay đổi thị trường làm đẹp. Với lối tư duy khác biệt, nắm bắt thông tin nhanh nhạy, kết hợp nhận thức cao đối với những vấn đề về môi trường, nhiều Gen Z đã thành công mở ra và lan tỏa xu hướng làm đẹp mới.
Sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn lối sống lành mạnh hơn với những sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường và an toàn với sức khỏe. Vì vậy, thị trường chăm sóc sắc đẹp đã chuyển mình theo xu hướng ấy.
Mỹ phẩm bền vững có nguồn gốc các thành phần từ thiên nhiên. Tuy nhiên, không phải bất kỳ mỹ phẩm tự nhiên hoặc mỹ phẩm hữu cơ nào cũng là mỹ phẩm bền vững. Vì trong thành phần dù chỉ chứa một lượng nhỏ 1-2% có nguồn gốc là động vật thì không được coi là bền vững, thuần chay.
Do đó, hiện nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến lời quảng cáo hoa mỹ của các nhãn hàng, họ còn đặc biệt quan tâm tới nguồn gốc và quy trình sản xuất mỹ phẩm trong các nhà máy.
Mạng xã hội đang định hướng người tiêu dùng
Nhờ yếu tố an toàn, lành tính và nhân đạo, mỹ phẩm bền vững đang dần chiếm thiện cảm của người tiêu dùng. Đây chính là bước đệm để xu hướng “đẹp bền vững” lan rộng hơn trong thời gian sắp tới khi được “đỡ đầu” bởi Gen Z – nhóm khách hàng đang “nắm giữ” tương lai tiêu dùng.
Theo báo cáo ESG hàng năm của Ulta công bố vào tháng 4, hơn 50% Gen Z xem xét kỹ các thành phần trong các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân trước khi mua hàng. Nhà bán lẻ này nhận thấy 90% Gen Z và thế hệ trẻ hơn quan tâm đến việc mua các sản phẩm làm đẹp an toàn trong tương lai. Đến năm 2027, Ulta kỳ vọng tổng doanh thu sẽ tăng 12% trên thị trường làm đẹp sạch toàn cầu.
Một báo cáo khác từ hãng nghiên cứu thị trường Circana cho thấy, có hơn 65% người tiêu dùng nói chung tìm kiếm các thành phần sạch khi mua hàng. Đặc biệt, người tiêu dùng thế hệ Millennials và Gen Z rất quan tâm đến điều này.
Một nửa số người được hỏi thuộc thế hệ Z dựa vào mạng xã hội khi quyết định mua loại mỹ phẩm nào. Trong số đó, 75% cho biết họ xem TikTok như một nguồn để tìm kiếm thông tin. Tính đến tháng 10/2023, tag #cleanbeauty trên TikTok đã đạt 2 tỷ lượt xem.
Do đó, nhiều người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội đang cố gắng định nghĩa thế nào là mỹ phẩm bền vững và đưa ra lời khuyên nên mua sản phẩm nào tốt. Điều này có thể tạo nên những nguồn thông tin sai lệch bởi nhiều yếu tố. Người tiêu dùng có thể bị “dắt mũi” bởi những chiến dịch quảng bá bởi kiến thức của họ bị định hình bởi những gì họ xem trên mạng.
Catie Wiggy, Giám đốc điều hành và người sáng lập Creative Beauty Collective đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội: “Họ có lượng người theo dõi rất lớn. Nhưng họ có hiểu về cái đẹp không? Họ biết gì về chăm sóc da không? Họ có được cấp phép là bác sĩ da liễu hay chuyên gia thẩm mỹ không? Chuyên môn của họ là gì? Họ có phải là nhà tạo công thức sản phẩm hóa học không? Lời khuyên của họ đưa ra dựa trên cơ sở nào? Hay đó chỉ là quảng bá cho thương hiệu?”
Vì thế, Catie Wiggy khuyên người mua hàng nên nghiên cứu thêm mức độ tin cậy của những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Ông cũng cho rằng người đề xuất sản phẩm nên dựa vào kiến thức của các chuyên gia được đào tạo bài bản hoặc thậm chí là từ các nhà bán lẻ trực tuyến.
Để đối phó với những nghiên cứu mang tính cá nhân, Catie Wiggy cảm thấy bản thân các thương hiệu cũng cần có trách nhiệm trong việc làm minh bạch thông tin sản phẩm của mình.
“Tôi nghĩ với tư cách là các nhà sản xuất, là thương hiệu đằng sau vẻ đẹp bền vững, hãy giúp người tiêu dùng có kiến thức về tiêu chuẩn và hành phần trong các sản phẩm để họ nhận biết được tại sao sản phẩm tốt và bền vững”.
Thương hiệu tiên phong định hướng người tiêu dùng
Để giải quyết nhu cầu ngày càng lớn của người tiêu dùng về mỹ phẩm bền vững, nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ các sản phẩm làm đẹp hàng đầu như Ulta và Sephora, đã giới thiệu các chương trình về sản phẩm làm đẹp của họ.
Ra mắt vào năm 2018, chương trình xếp hạng “Clean at Sephora” nếu ra các tiêu chí đánh giá mỹ phẩm “sạch” cho các sản phẩm được phân phối tại hệ thống mỹ phẩm Sephora. Sau 3 năm, danh sách các thành phần “bị cấm” tại Clean at Sephora đã dài gần gấp 4 lần ban đầu, nhưng đồng thời số thương hiệu đạt tiêu chuẩn này lại tăng gần gấp đôi.
“Kể từ khi ra mắt, chúng tôi đã liên tục cải thiện và đổi mới các sản phẩm bằng cách loại bỏ nhiều thành phần không tốt. Các sản phẩm đều được chứng minh an toàn trên cơ sở khoa học. Điều đó đồng nghĩa với việc tiêu chí “sạch” của chúng tôi đang cao nhất trong ngành”, hãng Sephora chia sẻ.
Tháng 7 vừa qua, Sephora tiếp tục nâng cấp hạng mục xếp hạng mới mang tên “Clean + Planet Positive”, bao gồm đầy đủ các tiêu chí cũ của hạng mục “Clean at Sephora”, và bổ sung thêm các tiêu chuẩn về sinh thái, bền vững với môi trường. Hiện tại, mới chỉ có 18 thương hiệu được xếp vào nhóm Clean + Planet Positive này.
Tiêu chí mới về “Planet Positive” bao gồm những cam kết đối với khí hậu, thực hành sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, đóng gói bao bì có trách nhiệm và ủng hộ cho môi trường.
Tương tự, thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm Ulta Beauty cũng đang nỗ lực làm nổi bật các mỹ phẩm sạch. Năm 2020, Ulta Beauty đã triển khai chương trình “Vẻ đẹp ý thức”. Chương trình này chứng nhận các sản phẩm sạch theo năm tiêu chí thành phần sạch, không độc hại, thuần chay, đóng gói bền vững và tác động tích cực. Theo trang web của nhà bán lẻ, hơn 300 thương hiệu tại nhà bán lẻ được chứng nhận ở một hoặc nhiều tiêu chí.
Các sản phẩm của Ulta đều được dán mã QR để cung cấp thêm thông tin các sản phẩm đủ điều kiện tham gia chương trình “Vẻ đẹp ý thức”.
Jodi Caro, cố vấn kiêm giám đốc tại Ulta Beauty cho biết: “Cam kết về tính minh bạch của Ulta vượt xa mọi giới hạn. Tôi nghĩ bạn sẽ tìm thấy điều đó trong các cửa hàng cũng như trong báo cáo của chúng tôi về các thương hiệu và mặt hàng. Chúng tôi muốn khách hàng có thể biết bên trong sản phẩm có thành phần gì và họ cho rằng tin tưởng nhãn hàng là điều đúng đắn”.
Thách thức các nhà bán lẻ
Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ, ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn, tính bền vững là một khía cạnh khác thúc đẩy danh mục vẻ đẹp sạch.
Theo báo cáo ESG của Ulta, 67% người mua hàng đã chuyển đổi hành vi để bảo vệ môi trường như tìm kiếm bao bì có thể tái chế hoặc thân thiện với môi trường trong sản phẩm làm đẹp.
Tensie Whelan, Giáo sư Đại học New York kiêm Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Bền vững của trường nhấn mạnh các thương hiệu tuyên bố là bền vững cần cung cấp đầy đủ thông tin tới người dùng. “Đó thực sự là một thử thách”, bà Tensie Whelan nói.
Theo bà Tensie Whelan, các thương hiệu nên xem xét việc tiến hành đánh giá các vật liệu được sử dụng trong sản phẩm, cũng như các vấn đề xã hội và môi trường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động kinh doanh. Bà cũng đề nghị nói chuyện với các bên liên quan về nhận thức của họ về những gì cần ưu tiên và phát triển chiến lược quản lý cơ hội và rủi ro do vấn đề trên tạo ra.
Chính vì không có tiêu chuẩn “sạch” rõ ràng mà chỉ có chứng nhận từ các tổ chức độc lập như Rainforest Alliance và Leaping Bunny đã tạo nên thách thức đối với nhà bản lẻ và thương hiệu.
“Sử dụng các thành phần đơn giản, tránh sử dụng chất bảo quản, hóa chất và các thành phần phức tạp khác ở mức độ cho phép có phải mỹ phẩm sạch không? Bởi vì mọi sản phẩm không nhất thiết phải chứng nhận cho điều đó. Nhưng nếu bạn có thể nêu rõ ràng thông tin như bao bì, thành phần trong sản phẩm trên trang web của mình thì đó cũng là một cách để xây dựng lòng tin của khách hàng”, bà Tensie Whelan nói và khẳng định các thương hiệu cần phải minh bạch về hoạt động trong chuỗi cung ứng và quyền lợi đối với người lao động.
Hướng tới quy định về mỹ phẩm bền vững
Catie Wiggy mô tả danh mục mỹ phẩm sạch giống với một thang trượt. Cô đề nghị tiếp cận một sản phẩm bằng cách hỏi: “Sản phẩm này sạch đến mức nào?” thay vì chỉ hỏi “Sản phẩm này có sạch không?”.
Các thương hiệu có thể tập trung vào nhiều khía cạnh khác nhau của mỹ phẩm sạch. Chẳng hạn một thương hiệu có thể chú trọng đến độ sạch của các thành phần, thì một thương hiệu khác có thể ưu tiên tác động đến môi trường của sản phẩm. “Tôi coi đó là vẻ đẹp xanh bao gồm thành phần sạch, nguồn cung ứng bền vững, đóng gói và tạo ra sản phẩm có tác động tích cực”, Wiggy nói.
Dù ít nhưng các quy định về ngành hàng này đang được định hình từng bước.
Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã ban hành dự thảo, hướng dẫn các khả năng có thể tác động đến ngành mỹ phẩm sạch. Theo đó, các nhà sản xuất giờ đây sẽ phải đăng ký các cơ sở sản xuất mỹ phẩm của họ với FDA.
Đồng thời, FDA đã ban hành hướng dẫn triển khai ghi nhãn sản phẩm. Các thương hiệu sẽ gửi dữ liệu qua phần mềm cổng gửi hồ sơ điện tử của FDA, theo quy định của MoCRA. Ngoài ra, các công ty phải gửi danh sách tất cả các sản phẩm và các thành phần có trong đó. Các thương hiệu phải cập nhật những thông tin trên trước ngày 29/12 hàng năm.
Động thái từ FDA được coi là bước tích cực nhằm cải thiện sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được vấn đề tuân thủ, độ chính xác của thông tin. Wiggy cho biết: “Cần có các hành động quản lý bổ sung để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trong ngành này. FDA có thể yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Điều này có thể giúp xác định và ngăn chặn các sản phẩm có khả năng gây hại khi xâm nhập thị trường”.
Wiggy cho biết các yêu cầu ghi nhãn theo tiêu chuẩn quy định giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các thành phần có trong sản phẩm. FDA cũng có thể sử dụng các chiến dịch giáo dục cộng đồng để người tiêu dùng hiểu rõ hơn về nhãn sản phẩm và đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn.
Wiggy nói: “Những thương hiệu minh bạch về thành phần và quy trình sản xuất sẽ đạt được lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường, giống các thương hiệu dã dẫn đầu lĩnh vực mỹ phẩm sạch. Điều này có thể khuyến khích các công ty khác cải thiện hoạt động và quảng bá các sản phẩm an toàn hơn”.