Việc truy xuất nguồn gốc giúp xác định nguồn gốc rõ ràng, minh bạch đối với sản phẩm dược liệu, góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng.
Cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu được
Theo Tạp chí điện tử Viettimes, TS Trần Minh Ngọc – Phó Cục Trưởng Cục quản lý Y Dược cổ truyền (Bộ Y tế) – cho biết, vấn đề phát triển ngành dược liệu nói chung và riêng đối với cây sâm nói riêng ở Việt Nam, có rất nhiều nội dung cần phải quan tâm. Trong thời gian qua, vấn đề nguồn gốc xuất xứ đối với dược liệu nói chung và sâm nói riêng cần nhìn lại một cách rõ ràng và chính xác.
Dẫn bài học từ Trung Quốc, TS Trần Minh Ngọc cho biết, để phát triển ngành dược liệu quốc gia, Trung Quốc đã xây dựng những quy định rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, xây dựng các mã truy xuất nguồn gốc cho từng loại sản phẩm nông sản của Trung Quốc và kể cả nông sản các nước nhập khẩu vào đất nước này.
“Câu chuyện về dược liệu hay nông sản cũng vậy, Trung Quốc đã quản lý việc truy xuất nguồn gốc rất rõ ràng. Và từ bài học kinh nghiệm này, trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ xây dựng những quy định về mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dược liệu theo Quyết định 100/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” – TS Trần Minh Ngọc chia sẻ.
Dẫn chứng trường hợp cụ thể của cây sâm, ông Minh cho rằng, đây là cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, nên khi không xác định rõ nguồn gốc xuất xứ giữa cây sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, thì đã có tình trạng di chuyển sâm Lai Châu vào Kon Tum, Quảng Nam để bán với giá cao hơn gây ảnh hưởng đến thị trường và lòng tin.
Giao diện trang tra cứu thông tin, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ dược liệu:
“Câu chuyện ở đây là chưa có hệ thống mã số về nguồn gốc xuất xứ hoàn chỉnh, chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước, để người dân tin tưởng từ việc truy xuất nguồn gốc nên mới xảy ra tình trạng trên”- TS Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
“Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã có đề xuất triển khai xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với dược liệu cũng như các sản phẩm từ dược liệu. Việc truy xuất nguồn gốc ở đây được thực hiện tất cả các nội dung liên quan như: nguồn gen của cây cho đến nguồn giống, chủng loại nằm trong hệ động thực vật hoang dã nào, phải kiểm soát theo công ước quốc tế ra sao” – TS. Trần Minh Ngọc khẳng định và cho biết thêm rằng, nếu là động thực vật hoang dã quý hiếm thì cần phải cấp mã số vùng trồng cấp cơ sở sản xuất nuôi trồng… Việc truy xuất nguồn gốc được thực hiện cụ thể, chi tiết đến nội dung cấp mã số vùng trồng, cơ sở nuôi trồng, cho đến thương mại hoá… mà Bộ Y tế đang xây dựng và Cục Quản lý Y dược cổ truyền đang được giao nhiệm vụ thực hiện.
Cũng Theo TS Trần Minh Ngọc, việc truy xuất nguồn gốc dược liệu không chỉ xác định nguồn gốc rõ ràng, minh bạch đối với sản phẩm dược liệu, mà còn góp phần nâng cao uy tín doanh nghiệp, làm tăng niềm tin của người tiêu dùng, chứng minh sản phẩm có chất lượng tốt, thúc đẩy hoạt động mua hàng.
Hệ thống truy xuất cũng cho thấy mọi công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản sản phẩm được theo dõi một cách chặt chẽ và khi phát sinh sản phẩm lỗi, hư hỏng thì doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định được khâu nào gây ra sản phẩm lỗi, hư hỏng, từ đó có những biện pháp khắc phục kịp thời, giảm tối đa sự thất thoát, hư hỏng.
Quét mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, dược liệu:
“Với hệ thống này, doanh nghiệp dễ dàng xác minh sản phẩm đang lưu hành trên thị trường là hàng chính hãng hay hàng trôi nổi, hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Còn người tiêu dùng thì có thể sử dụng hệ thống truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm để xác định sản phẩm nào là hàng chính hãng, uy tín, sản phẩm nào là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Từ đó mới có thể đưa sản phẩm ra các thị trường thế giới” – TS Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Cần có đơn vị đủ lớn để dẫn dắt thị trường dược liệu
Cũng theo TS Trần Minh Ngọc, thị trường dược liệu thế giới đang rất tiềm năng, nhu cầu các sản phẩm từ dược liệu để phục vụ chăm sóc sức khỏe, hóa mỹ phẩm… hàng năm trị giá khoảng 230 tỉ USD và dự kiến đến năm 2028 có thể lên tới khoảng hơn 400 tỉ USD. Với tiềm năng thảo dược của Việt Nam thì các sản phẩm chế biến từ dược liệu, đem lại kinh tế là rất lớn.
Chính vì vậy, cần mở rộng khai thác, ứng dụng của dược liệu trong nhiều lĩnh vực, không chỉ chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp mà có thể sang thị trường nước uống, ứng dụng trong ngành nông nghiệp, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… Nhất là lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, khi mà hàng năm, Việt Nam phải nhập khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi cho ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, muốn kinh doanh thương mại và xuất khẩu được dược liệu ra quốc tế, Việt Nam cần có hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng từ việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn gen, quy trình khai thác, nuôi trồng, quy chuẩn sản xuất, phân phối… phải đảm bảo được các tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường hướng đến và có thể truy xuất kịp thời trên hệ thống thông qua việc gắn mã QR cho từng loại sản phẩm.
Trung tâm nhân giống và nuôi trồng dược liệu tại Quảng Nam:
“Bên cạnh việc xây dựng hệ thống truy xuất dữ liệu, để công tác xúc tiến thương mại hướng đến toàn cầu được hiệu quả, chúng ta cần có đơn vị đủ lớn để dẫn dắt thị trường dược liệu. Đơn vị này định hướng phát triển, định hướng cho người tiêu dùng không chỉ trong nước mà cả nước ngoài khi họ muốn mua dược liệu Việt Nam, từ đó định hướng để các doanh nghiệp trong nước biết thế giới cần gì, Việt Nam sản xuất, cung cấp cái đó và ngược lại” – TS Trần Minh Ngọc chia sẻ.
TS Trần Minh Ngọc cho rằng, Việt Nam cũng cần có đơn vị đầu mối về các dữ liệu thống kê chính thức về nhu cầu thị trường dược liệu, giá trị xuất khẩu hàng năm trên thị trường quốc tế… từ đó xây dựng và mở rộng chuỗi giá trị của dược liệu, từng bước đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.
Kế hoạch phát triển cây Sâm Việt Nam
Theo Quyết định số 611/QĐ-TTg về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum (sâm Ngọc Linh) và Lai Châu (sâm Lai Châu).
Tiến trình phát triển cây Sâm Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2030 sẽ tập trung bảo tồn nguồn gen Sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng Sâm Việt Nam đạt khoảng 21.000 ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng Sâm Việt Nam được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý.
Về sản lượng khai thác sâm của Việt Nam, từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP – WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).
Giai đoạn định hướng đến năm 2045, sẽ phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm lớn trên thế giới.
Trong giai đoạn này, Bộ Y tế sẽ đánh giá kết quả đạt được của giai đoạn 1 (giai đoạn đến năm 2030), từ đó nhân rộng mô hình vùng trồng cho các khu vực tiếp theo. Trong đó, có 4 trung tâm giống sâm lớn gồm: 2 trung tâm giống triển khai ở phía bắc là Mù Cang Chải và Lai Châu; 2 trung tâm ở miền Trung – Tây nguyên là Kon Tum và Quảng Nam. Từ đó nhân giống, di thực và trồng cây sâm cũng như các cây dược liệu tại các vùng đồng bằng, trung du có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp./.